Ngành bao bì - Nhiều cơ hội bứt phá
Vừa qua, tại Hội thảo Phát triển ngành công nghiệp chế biến và đóng gói Việt Nam - Những cơ hội và thách thức mới”, tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đã đưa ra một con số ấn tượng về tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực bao bì đóng gói tại Việt Nam ở mức 15-20% trong nhiều năm qua.
Đánh giá về vấn đề này, bà Loan cho rằng, hơn 90 triệu dân cùng với lượng khách du lịch tăng nhanh mỗi năm, cùng với sự phát triển hệ thống bán lẻ rộng khắp, ngành thực phẩm đồ uống và dược phẩm tại Việt Nam là mảnh đất mầu mỡ cho các nhà đầu tư, kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp in ấn, đóng gói bao bì trong nước.
Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện thực phẩm và đồ uống đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt, chiếm 35% mức chi tiêu. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của người Việt ước tính khoảng 15% GDP và đang có xu hướng gia tăng.
Chỉ riêng năm 2018, tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tăng trưởng mạnh với 18%. Sản phẩm ngày càng phong phú, số lượng ngày càng tăng - điều này thực sự là một trong những động lực thúc đẩy lớn cho ngành chế biến, đóng gói bao bì Việt Nam nâng lên một tầm cao mới.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong 17 nước xếp vào nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất thế giới, với quy mô thị trường hiện khoảng 5,1 tỷ USD (IMS Health nhận định). Công ty Nghiên cứu thị trường Global Data cũng chỉ ra rằng, Việt Nam sẽ là một trong 3 nước sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng ngành dược tốt trong thời gian tới, trung bình 10%/năm.
Bên cạnh đó, ngành hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm cũng đang tăng trưởng rất mạnh mẽ. Tất cả những yếu tố này đều hướng tới yêu cầu thị trường đóng gói bao bì hiện đại, tiện dụng và bảo vệ môi trường.
Bao bì cần đáp ứng xu hướng
Sức hút của ngành công nghiệp chế biến, đóng gói bao bì Việt đã được minh chứng bằng việc 3 năm qua Việt Nam có không ít nhà sản xuất trên thế giới cung cấp máy móc, thiết bị, sản phẩm… và đầu tư xây nhà máy.
Mới đây nhất, tháng 7/2019, Tetra Park - một trong những doanh nghiệp sản xuất bao bì lớn nhất thế giới đã khánh thành nhà máy đầu tiên tại khu công nghiệp Bình Dương với công suất có thể lên tới 20 tỷ hộp giấy mỗi năm. Trước đó, sản phẩm bao bì đóng gói của Tetra Pak cung cấp ở Việt Nam được nhập khẩu chủ yếu từ nhà máy của Tetra Pak ở Singapore và Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Hoàng Công Sơn - chuyên gia tư vấn sản xuất chế biến đóng gói bao bì - xu hướng bao bì hiện nay không chỉ đòi hỏi phải mỏng, nhẹ, thân thiện với môi trường, thiết kế, in ấn đẹp mắt, ấn tượng mà còn phải thông minh với hình mờ kỹ thuật số và mã vô hình có thể được quét bằng cách sử dụng điện thoại thông minh của người tiêu dùng. Ngoài ra, đối với các thương hiệu lớn bao bì còn chính là giải pháp quan trọng để nhận biết hàng thật hàng giả.
Riêng trong ngành công nghiệp thực phẩm cần đến những loại bao bì không chỉ giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn mà còn đảm bảo bảo vệ hàng hóa trong lưu thông và giữ được hương vị, hương vị kết cấu và giá trị dinh dưỡng các thành phần.
Ông Sơn cho biết, hiện ngành công nghiệp chế biến và bao bì thực phẩm tại Việt Nam đang rất quan tâm đến khâu thiết kế, nguồn nguyên liệu chất lượng và yêu cầu cao về các máy móc, thiết bị, công nghệ để đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm được in trên bao bì đóng gói để kiểm tra thông tin, chất lượng, quy trình sản xuất…
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đều ý thức được tầm quan trọng của bao bì trong việc tiếp cận khách hàng. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã nhập máy móc, thiết bị công nghiệp hiện đại phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến và bao gói thực phẩm như Vinamilk, Visan, Sài gòn Food, PAN food…
“Ngành Công nghiệp chế biến vào bao gói thực phẩm trong thời gian tới đã và sẽ có sự thay đổi lớn, nhất là định hướng tạo ra những sản phẩm mang tính tiện dụng để phục vụ người tiêu dùng và chú ý tác động đến môi trường” - thạc sĩ Hoàng Công Sơn nhận định.
Tiến sĩ Đinh Thi Mỹ Loan: Khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thì ngành bao bì Việt Nam với tư cách là công nghiệp hỗ trợ cũng phải tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Rõ ràng đó là cơ hội vô cùng lớn nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng cập nhật mọi kỹ thuật cũng như xu hướng mới nhất trên thế giới để có thể đáp ứng được nhanh nhất nhu cầu thị trường.